Những người mắc chứng sợ độ cao có nỗi sợ hãi mãnh liệt trước những tình huống liên quan đến độ cao như ở trong một tòa nhà cao tầng hoặc sử dụng thang. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân và cách khắc phục của chứng sợ độ cao này nhé!
1 Chứng sợ độ cao là gì?
Chứng sợ độ cao là một tình trạng sức khỏe tâm thần mà trong đó cá nhân trải qua nỗi sợ hãi tột độ về độ cao. Đây là một loại rối loạn lo âu, và là một trong những nỗi ám ảnh phổ biến nhất.Theo đó, có khoảng 3% đến 6% dân số thế giới mắc chứng sợ độ cao.
Người mắc chứng sợ độ cao trải qua nỗi sợ hãi và lo lắng mãnh liệt khi họ nghĩ đến một độ cao nhất định hoặc khi đang ở nơi có độ cao đáng kể. Do đó, họ thường tránh những tình huống hoặc những nơi liên quan đến độ cao.[1]
Chứng sợ độ cao là một tình trạng sức khỏe tâm thần mà bạn có sự sợ hãi tột độ về độ cao
2 Nguyên nhân
Các nhà nghiên cứu cho đến nay vẫn không chắc chắn chính xác nguyên nhân gây ra chứng sợ độ cao là gì. Tuy nhiên, chứng sợ độ cao có thể xuất phát từ mối lo lắng tự nhiên của con người là rơi từ trên cao xuống và làm tổn thương bản thân.
Ngoài ra, những người có trải nghiệm tiêu cực hoặc sang chấn đáng kể liên quan đến độ cao có thể góp phần khiến một người mắc chứng sợ độ cao.
Ví dụ, một số trường hợp bị tai nạn lao động hoặc bị ngã ở từ tầng lầu cao xuống khiến tâm lý của người đó bị ảnh hưởng và kéo dài về sau này.
Người bệnh có trải nghiệm tiêu cực hoặc đau thương liên quan đến độ cao
3 Triệu chứng của hội chứng sợ độ cao
Triệu chứng tâm lý
- Cảm thấy sợ hãi và lo lắng tột độ khi nghĩ đến, nhìn hoặc ở trên cao.
- Sợ điều gì đó tiêu cực sẽ xảy ra nếu bản thân đang ở nơi cao như bị ngã hoặc bị mắc kẹt ở nơi cao.
- Cảm giác muốn trốn thoát mạnh mẽ nếu sẽ hoặc đang ở vị trí cao.
- Các phản ứng thông thường bao gồm lao xuống ngay lập tức, bò bằng bốn chân và quỳ xuống hoặc hạ thấp cơ thể.
Các triệu chứng thực tế
- Tim đập nhanh khi nghĩ đến hoặc nhìn vào độ cao.
- Cảm thấy chóng mặt và choáng váng khi nghĩ đến hoặc nhìn vào một nơi nào đó cao.
- Cảm thấy buồn nôn.
- Đau ngực.
- Run sợ.
- Khó thở, hụt hơi. [2]
Người bệnh cực kỳ sợ hãi khi ở trên cao
4 Cách chẩn đoán
Nhờ vào tiêu chí trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5), bác sĩ sẽ chẩn đoán chứng sợ độ cao. Nói chung, nỗi ám ảnh chuyên biệt này có ít nhất bốn tiêu chí để chẩn đoán, bao gồm:
- Nỗi sợ hãi mãnh liệt và vô lý: Nỗi sợ hãi vô lý về độ cao hoặc tình huống khi bản thân ở trên cao.
- Lo âu dự kiến: Người mắc hội chứng ám ảnh sợ độ cao có xu hướng tập trung vào hoặc sợ hãi những tình huống hay trải nghiệm trong tương lai sẽ liên quan đến độ cao.
- Né tránh: Nhiều người mắc chứng ám ảnh sợ hãi này sẽ chủ động tránh né việc phải tham gia các hoạt động liên quan đến độ cao như đi máy bay, đi cáp treo.
- Nỗi ám ảnh cản trở các hoạt động hàng ngày: Nỗi sợ hãi mà cá nhân trải qua phải hạn chế cuộc sống hàng ngày của người bệnh như cảm thấy lo sợ khi phải đi thang cuốn lên cao, đứng trên ban công, làm việc trên các tòa nhà cao tầng.
5 Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Khi có dấu hiệu dưới đây và kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý thì nên đến khám bác sĩ:
- Khó thở, thở dốc, thậm chí là có dấu hiệu bị phù phổi khi đối mặt với nỗi sợ độ cao.
- Đau ngực, tim đập nhanh, ngất xỉu, thậm chí có dấu hiệu bị phù não do quá sợ hãi.[3]
Nơi khám chữa khi mắc chứng sợ độ cao
Hãy đến ngay khoa thần kinh của các bệnh viện uy tín hoặc các phòng khám tâm lý uy tín để được hỗ trợ kịp thời và điều trị.
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, Bệnh viện FV.
- Tại Hà Nội: Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Khoa Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Cần cấp cứu ngay khi phù não do quá sợ hãi
6 Các phương pháp chữa bệnh
Tâm lý trị liệu
Thông qua việc nói chuyện và đặt câu hỏi, nhà trị liệu tâm lý học sẽ giúp người bệnh có được một góc nhìn khác. Kết quả là, họ học cách phản ứng tốt hơn cũng như đối phó với căng thẳng và lo lắng khi tiếp xúc với nỗi sợ độ cao.
Liệu pháp tiếp xúc
Với liệu pháp tiếp xúc, đầu tiên, bác sĩ sẽ khuyến khích người bệnh mắc chứng ám ảnh bước vào những tình huống khiến họ lo lắng. Tiếp theo, họ sẽ cố gắng ở trong tình huống đó để học cách đối phó tốt hơn.
Ví dụ, tập cho người bệnh đứng trên ban công tòa nhà cao tầng, tập cho bệnh nhân đứng trước vách núi.
Sử dụng thuốc
- Một số thuốc chẹn beta được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa các triệu chứng cụ thể, chẳng hạn như nhịp tim nhanh.
- Các loại thuốc như benzodiazepin, được sử dụng để giúp thư giãn, có thể tạm thời làm giảm mức độ lo lắng.
Thư giãn
Có nhiều cách điều chỉnh lối sống và thư giãn có thể góp phần làm giảm các triệu chứng của chứng sợ độ cao. Tập yoga, thở sâu, thiền hoặc thư giãn cơ liên tục, tập thể dục thường xuyên có thể giúp đối phó với căng thẳng, lo lắng và chứng sợ độ cao.
Nên gặp bác sĩ tâm lý để điều trị bệnh
7 Cách giúp hạn chế chứng sợ độ cao
Nếu đang ở một vị trí trên cao, bạn có thể thực hiện một số hành động dưới đây để cố gắng giảm bớt lo lắng về độ cao:
- Đổi tầm nhìn của bạn, ví dụ, đừng nhìn xuống mà hãy chỉ nhìn đường chân trời.
- Nhìn vào các vật thể đứng yên xung quanh và ngay vị trí bạn đang đứng.
- Nằm xuống.
- Tạm dừng chuyển động.
Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc chứng sợ độ cao, bạn có thể làm theo một số gợi ý dưới đây để kiểm soát các triệu chứng của mình, bao gồm:
- Ngủ đủ giấc và tập thể dục.
- Nếu đang điều trị tâm lý vì chứng sợ độ cao, hãy nhớ tham gia thường xuyên và đến đúng hẹn.
- Tập thiền định, thực hành các kỹ thuật thư giãn như thở sâu và yoga.
- Tham gia nhóm hỗ trợ dành cho những người mắc chứng sợ độ cao hoặc những nỗi ám ảnh cụ thể nói chung.
Tập thiền định để giảm bớt căng thẳng vì chứng sợ độ cao
Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn các kiến thức về triệu chứng sợ độ cao. Nếu thấy bài viết hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!